Bánh tráng Bình Định
Việt Nam có một văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú trải dài từ Bắc vào Nam. Và nơi đâu cũng có sự xuất hiện của một món ăn dân dã, bình dị mà không kém phần độc đáo – món bánh tráng. Trong vô vàn các món bánh tráng nổi tiếng: bánh tráng Kế (Bắc Giang); bánh tráng Cầu Bố (Thanh Hóa); bánh tráng Trảng Bàng (Tây Ninh) thì món bánh tráng Bình Định có nét đặc trưng riêng làm nên thương hiệu của mình. Không phải ngẫu nhiên mà bánh tráng Bình Định nổi tiếng mà bên cạnh hương vị tuyệt hảo nó mang lại, bánh tráng Bình Định còn thể hiện nét hay trong văn hóa ẩm thực của dải đất duyên hải thân yêu.
Cái tên gọi đã nói lên được cách làm bánh. Gọi là bánh tráng Bình Định vì công đoạn chủ yếu khi làm bánh là phải tráng mỏng. Đầu tiên, người làm bánh phải chuẩn bị nguyên liệu là bột gạo (nhiều nơi dùng sắn, ngô, đậu xanh... hoặc pha trộn chung) pha lỏng vừa phải với nước. Có cho vào đó một ít bột sắn với một tỷ lệ hợp lý để bánh có thêm độ dẻo, ít bị bể và dễ tráng mỏng, nếu pha nhiều bột sắn (khoai mì) sẽ làm cho bánh có vị chua. Ngoài ra còn có các phụ gia khác như mè, muối, tiêu, tỏi, dừa, hành, đường... tùy loại bánh tráng các miền. Và công thức để làm ra bánh tráng Bình Định ngon, hấp dẫn thì vẫn còn là một bí mật mà chỉ những người dân địa phương biết được để đảm bảo cho thương hiệu bánh tráng riêng của mình.
Bánh tráng Bình Định là món ăn có thể kết hợp được với rất nhiều kiểu thưởng thức khác nhau. Nếu người Hàn Quốc có rong biển là đặc trưng trong bữa ăn thì người miền Trung Việt Nam có món bánh tráng Bình Định là nét riêng khác biệt trong mâm cơm hàng ngày. Miếng bánh tráng quấn cùng rau sống, bún tươi và miếng thịt heo luộc thái mỏng chấm với nước sốt chua ngọt làm thực khách tan chảy ngay khi chạm vào đầu lưỡi. Hay miếng bánh tráng nướng trên than hồng giòn rụm, xúc với hến xào thật cay cũng cho người ta cảm giác thỏa mãn như khi giải quyết được những rắc rối trong cuộc sống. Đã một lần thử qua bánh tráng Bình Định thì chắc chắn khó có thể nào quên.
Nhận xét
Đăng nhận xét